Lời Mở Đầu Cho Câu Chuyện

Trong cuộc sống, có những con người thầm lặng cống hiến và hy sinh vì những giá trị cao cả mà không hề đòi hỏi bất kỳ lợi ích nào. Câu chuyện về một huynh trưởng Hướng đạo, một vị trí không lương nhưng mang trên vai vô vàn trách nhiệm. Bằng tình yêu và sự tận tâm, em ấy đã dìu dắt, hướng dẫn và chăm sóc cho những đứa trẻ trong đoàn của mình. Dù gặp nhiều khó khăn và đôi khi bị hiểu lầm, em vẫn kiên định với con đường đã chọn, tin rằng giáo dục nên miễn phí và công bằng. Câu chuyện không chỉ kể về hành trình của em trong phong trào Hướng đạo mà còn là lời tri ân, sự ngưỡng mộ của gã đối với sự cống hiến thầm lặng và cao quý ấy.

Chuong trinh soi con nganh au huong dao Viet Nam la mot chuong trinh tu nguyen

Câu Chuyện: Tiếng Nấc của Cô Em Gái

Gã có cô em gái. Gọi em gái chỉ vì em nhỏ tuổi hơn gã thôi, chứ xét theo vai vế thì em thuộc hàng sư tỷ của gã và trong nhiều trường hợp, em thừa khả năng để dạy gã vô số thứ. Em là một huynh trưởng Hướng đạo và bạn biết đấy – đó là một “nghề” không lương, lại phải gánh quá nhiều trách nhiệm, phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Nói sơ cho các bạn dễ hình dung ha. Hàng tuần, em phải dành thời gian để nghĩ ra các trò chơi mang tính giáo dục, chuẩn bị dụng cụ cho các trò chơi đó (nếu cần), lên kế hoạch hướng dẫn tụi nhỏ, hướng dẫn và chịu trách nhiệm cho sự an toàn, phát triển của mỗi đoàn sinh do em phụ trách trong suốt nhiều năm cho đến khi đoàn sinh ấy đạt được các chuyên hiệu, đẳng thứ và được chuyển lên cấp tiếp theo trong phong trào. Dạy dỗ, dìu dắt chỉ một đứa trẻ thôi đã là cả một công trình. Ở đây, em chịu trách nhiệm dìu dắt cả chục đứa trẻ và không hề giống như trường học, em cần dìu dắt từng đứa theo đúng năng lực, sở trường của đứa trẻ riêng biệt ấy, đúng tinh thần Hướng đạo.

Một lần, trong cuộc trò chuyện, em từng nói với gã, giọng điệu có chút tủi thân: “Nhiều người nghĩ làm huynh trưởng Hướng đạo là sẽ có quyền lợi, tiền bạc gì đó, vì nếu không thì sao người ta lại đi làm. Thậm chí, anh biết không, mấy đứa bạn em, hiểu rõ em vậy, cũng nghĩ em làm huynh trưởng là sẽ được quyền lợi”.

Gần 10 năm quan sát phong trào bằng đôi mắt… cú vọ của một gã nhà báo, gã hiểu chứ. Với châm ngôn “Phục vụ”, các huynh trưởng Hướng đạo đã tự nguyện gánh lên vai trách nhiệm dẫn dắt thế hệ trẻ (“Hướng đạo” nghĩa là “dẫn đường” chứ không phải hướng người ta theo đạo như một số người vẫn nhầm đâu), vì một thế giới tốt đẹp hơn. Họ bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc để đổi lấy niềm vui duy nhất: Được nhìn thấy các đoàn sinh của họ – những đứa trẻ họ chịu trách nhiệm dẫn dắt – trưởng thành và trở thành người hữu dụng.

Gã an ủi em: “Chúng ta đang sống trong một xã hội khủng hoảng niềm tin và vị lợi mà em. Như anh, nói anh vào rừng trồng cây tặng không cho Má Tự Nhiên, đâu có mấy người tin. Họ nghĩ anh chắc phải có âm mưu gì đó, phải có được quyền lợi gì đó chứ nhất định không chịu tin anh làm vậy chỉ vì anh thấy vui”.

Bẵng một thời gian, em vẫn là một huynh trưởng đầy nhiệt huyết và trách nhiệm (Ít nhất là gã thấy thế), vẫn chăm chút cho tụi nhỏ, vẫn dìu dắt và yêu thương chúng. Nhiều đứa lớn lên, được chuyển lên cấp trên; nhiều trẻ mới vào, em đều yêu thương như vậy.

Gần đây, trong một dịp tâm tình, anh chị em nói với nhau về hành trình mình đến với Hướng đạo và sống đời Hướng đạo sinh, đời huynh trưởng; em có nhắc lại về những khó khăn, những hiểu lầm của người đời về cái “nghề” huynh trưởng không lương. Trong ánh sáng mờ mờ của chút than hồng còn sót lại từ đống lửa, gã không nhìn rõ mặt em, chỉ có thể cảm nhận giọng em run run, như thể tiếng nấc khi em nói: “Em tin rằng giáo dục nên miễn phí và công bằng. Vì nghĩ vậy nên em đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn và em nghĩ mình sẽ vẫn tiếp tục con đường này”.

“Giáo dục nên miễn phí và công bằng”. Gã lại được học thêm từ em. Người ta hay bẻo lẻo cái miệng rằng giáo dục là con đường ngắn nhất, bền vững nhất đi đến sự phát triển. Nhưng nếu giáo dục không miễn phí, không công bằng thì sẽ có rất nhiều người bị bỏ lại phía sau nếu họ không có tiền hoặc thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Các huynh trưởng Hướng đạo đã cống hiến một phần đời mình cho công cuộc giáo dục miễn phí và công bằng cho mọi đứa trẻ và thực lòng mà nói, họ đã và chỉ được tưởng thưởng bằng “niềm vui” khi được chơi với bọn trẻ (Trong Hướng đạo, không phải ai muốn cũng sẽ được phép chơi với bọn trẻ mà phải có đủ phẩm chất, phải được huấn luyện để hiểu trẻ, phải được rèn luyện kỹ năng dẫn dắt trẻ. Như gã, tới giờ vẫn chỉ dám nhận mình đang tập sự thôi).

Ở trại hè vừa rồi của Liên đoàn, một huynh trưởng cười nói với gã: “Giá mà mỗi tháng có một trại hè như thế này thì anh em mình sẽ không biết già là gì luôn”. Thật! Được chơi với bọn trẻ, cảm nhận được sức trẻ, tinh thần hừng hực của chúng, đám già… 19 tuổi ++ như gã cũng thấy mình trẻ ra và tràn đầy sinh lực. Chứ mình già yếu, làm sao theo chúng nổi. Cái sự… đẹp trai của gã đâu có sánh được với thanh xuân của các em.

Tiếng nấc của cô em gái chắc chỉ là trong một phút xao lòng, giữa vòng tròn huynh đệ – nơi em biết mọi người đều hiểu em và tin tưởng em; còn thì gã tin, em sẽ tiếp tục đời huynh trưởng của em như đã và đang trong suốt nhiều năm qua. Và nếu được phép, gã rất sẵn lòng phụ việc cho em, để em bớt nhọc (và cũng để len lén học thêm từ em nhiều điều hay ho nữa).

Kết Lại

Câu chuyện này, cuối cùng, không chỉ là về sự hy sinh và cống hiến của một Huynh Trưởng trong phong trào Hướng Đạo còn là bài học quý báu về lòng kiên định và niềm tin vào giá trị của giáo dục. Trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy những người sẵn sàng cho đi mà không mong nhận lại. Chính vì vậy, sự cống hiến của những huynh trưởng như em càng trở nên quý giá và đáng trân trọng. Gã, với đôi mắt của một nhà báo, đã thấy và hiểu được giá trị ấy, và qua câu chuyện này, chúng ta cũng được truyền cảm hứng và hiểu rõ hơn về tấm lòng và sự cống hiến thầm lặng của những người làm công tác Hướng đạo.