Ngành Tráng Hướng Đạo có một Nghi thức đỉnh cao, tên gọi là: LÊN ĐƯỜNG (LĐ) – Sau khi qua được một số kỹ năng quy định và làm xong quy ước tu thân thì Tráng sinh được lên đường, được Bảo Huynh trao cho mình cầm gậy nạng và mang huy hiệu RS, chứng tỏ đích thực là một Tráng sinh. RS có nghĩa là Tráng Sinh Hướng đạo (Anh: Rover Scout; Pháp: Routier Scout), vừa có nghĩa là Giúp Ích (RendreService)
Nội Dung Câu Chuyện Ý Nghĩa Gậy Nạng Tráng sinh LÊN ĐƯỜNG
“Lên Đường” là một nghi lễ tượng trưng cho việc một Tráng sinh rời khỏi vòng tay bảo trợ của Tráng đoàn để bắt đầu hành trình riêng trong cuộc sống. Không còn là những buổi sinh hoạt đều đặn, trại hè hay các hoạt động mang tính huấn luyện – giờ đây, Tráng sinh sẽ áp dụng tinh thần Hướng Đạo vào công việc, gia đình, và xã hội. Người Tráng sinh giờ đây đã trưởng thành, một mình bước vào đời để mưu sinh lập nghiệp lập thân.
Đây là đẳng thứ cao nhất của Tráng sinh, gọi là Thuần tráng. Tương tự như một tráng sĩ năm xưa tu học thành tài đước xuất sơn hành hiệp vậy. Lễ này không đơn thuần là một buổi chia tay, mà là một nghi lễ trưởng thành, thể hiện sự cam kết với con đường phụng sự đời – đúng như khẩu hiệu của Tráng sinh: “Giúp Ích” (Service).
Hành trang lên đường của Tráng sinh:
Một ba lô (ngày xưa là tay nải) và một cây gậy nạng (ngày xưa là một binh khí), được gắn lên mũ huy hiệu RS và vai được mang tua 3 màu (vàng, lục, đỏ)
- Ba lô hoặc tay nải.
- Gậy nạng.
- Huy hiệu RS gắn trên mũ.
- Tua ba màu (vàng, lục, đỏ) đeo trên vai
Thời điểm thích hợp:
Được diễn ra có khi vào buổi tối, hoặc nữa đêm về sáng hoặc khi bình minh vừa ló dạng… tùy theo mỗi Tráng đoàn có tập tục riêng, thành một truyền thống đơn vị. Nghi thức thường diễn ra vào ban đêm, lúc bình minh, hoặc nửa đêm, trong không gian yên tĩnh và thiêng liêng.
Địa điểm thích hợp:
Nghi thức này thường tổ chức tại một nơi cắm trại, ít khi tổ chức trong phòng. Nếu diễn ra tại một ngã ba đường thì ý nghĩa nhất.
- Địa điểm được chọn thường là ngã ba đường, một khu vực trống trong khu trại, hoặc nơi thiên nhiên bao quanh, tạo nên cảm giác sâu lắng và trang nghiêm.
- Ngã ba đường mang tính biểu tượng: nó là nơi mỗi người buộc phải chọn cho mình một hướng đi. Không ai có thể đi cả ba con đường cùng lúc, cũng không thể đứng mãi ở ngã ba.
Hình thức gậy nạng & và ý nghĩa sâu sắc:
Người Tráng sinh LĐ được Tráng trưởng đồng thời là Bảo chủ – tức chủ lễ – trao tặng một cây gậy dài 1,2 m, đầu gậy luôn có 2 nhánh dài bằng nhau (giống như một cây ná) thường gọi là gậy nạng… Ý nghĩa nhắc nhỡ người Tráng sinh khi đứng trước một vấn đề (ngã ba đường) phải biết chọn lấy một lối mà đi, sao cho đúng đắn, thành công hay thất bại là do mình. Dưới đây là 3 ý nghĩa chính của gậy nạng:
Chiếc gậy nạng có hình chữ Y, thường được làm bằng gỗ chắc chắn, dài khoảng 1,2 mét. Nó không chỉ là một công cụ đi đường, mà còn là biểu tượng của sự chọn lựa.
- Ngã ba cuộc đời: Hình dáng chữ Y tượng trưng cho ngã ba đường – nơi con người phải chọn hướng đi trong cuộc sống. Mỗi nhánh đường có thể đưa đến kết quả khác nhau. Gậy nhắc nhở Tráng sinh phải biết suy nghĩ, cân nhắc, và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
- Tựa vào khi mỏi mệt: Gậy còn là điểm tựa tinh thần trong những lúc gian nan, giống như cách Tráng sinh sẽ cần tự tin và bản lĩnh để đứng vững trước thử thách. Nó cũng nhắc ta rằng không phải lúc nào cũng có người khác giúp – nhiều lúc chính mình phải làm điểm tựa cho bản thân.
- Biểu tượng trưởng thành: Khi nhận gậy, Tráng sinh không còn là người chỉ học hỏi trong môi trường an toàn. Họ đã sẵn sàng đem những gì đã học để giúp ích xã hội, giúp đỡ người khác và sống có lý tưởng.
🌟 Chính Vì những Ý Nghĩa như vậy hôm nay xin mới các bạn cùng với Trưởng Hồ Đăng Trần Sung – Liên Đoàn Trưởng LĐ Hải Đăng Gia Định đang tự tay mình làm Gậy Nạng trao tặng cho Tráng sinh LÊN ĐƯỜNG nhé. 🌟

Liên Đoàn Hải Đăng Gia Định là một là Đơn vị Hướng đạo thuộc hội Hướng đạo Việt Nam. Khởi đầu từ một tráng đoàn biệt lập, Tráng đoàn Hải Đăng – Gia Định được thành lập tại công viên Hoàng Văn Thụ vào ngày 1/03/2006 Sau một thời gian làm việc cùng nhau, Tráng đoàn đã chính thức thành lập Liên đoàn Hải Đăng – Gia Định tại CV Hoàng Văn Thụ vào ngày 10/10/2010. Tuy nhiên, lễ ra mắt chính thức của Liên đoàn đã diễn ra tại khuôn viên Công ty Muối Biển Đông ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 8 và 9 tháng 1 năm 2011. Từ đó đến nay, LĐ Hướng đạo Hải Đăng đã hoạt động chính thức với 4 ngành chính: ẤU – THIẾU – KHA – TRÁNG – có lúc sĩ số đoàn sinh lên đến đỉnh điểm là 168 người bao gồm cả đoàn sinh và huynh trưởng.