Cuộc thám du không chỉ đơn giản là việc tiếp cận với thiên nhiên mà còn là một cuộc phiêu lưu tinh thần đòi hỏi sự tự chủ, sáng tạo, và kỹ năng sống. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời cho thanh thiếu niên trong thời kỳ hiện nay, nơi họ có thể kết nối chặt chẽ với tự nhiên, phát triển kỹ năng sống và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ. Tuy nhiên có rất nhiều anh chị em chưa hiểu rõ ý nghĩa của một chuyến “Thám Du” là gì và một số cách thực hiện nó. Trong bài viết này, hãy cùng Liên Đoàn Hướng Đạo Hải Đăng Gia Định khám phá những khái niệm cơ bản về thám du và tìm hiểu cụ thể về những yếu tố quan trọng cần lưu ý khi tham gia vào cuộc hành trình này.

THÁM DU -> TIỀN TRẠM -> KHAI PHÁ

Hiểu Đúng Về Thám Du Là Gì?

Thám du là một loại hoạt động đầy tư duy, phiêu lưu và tạo dựng kỹ năng sống. Điều đặc biệt là thám du đặt ra sự thách thức và yêu cầu cao về độ tự chủ và sự chuẩn bị. Nó không chỉ đơn giản là việc tiếp xúc với thiên nhiên mà còn mang trong mình mục tiêu khám phá một nơi mới, đồng thời từ đó mà phát triển kỹ năng tự quản lý và học hỏi về bản thân.

Định Nghĩa về  “Thám Du” Trong tiếng Việt thì:

  • THÁM: có nghĩa là Dò xet, tìm tòi, dò thám một địa điểm hoặc một cái gì đó mới.
  • DU: có nghĩa là chỉ việc di chuyển, du hành vào một vùng đất mới lạ và ở đó người du hành ưu tiên sự an toàn.

THÁM DU là một chuyến đi với là một mục đích dò xet, tìm tòi, dò thám một địa điểm mới hay một cái gì đó mới một cách có kế hoạch và đề cao sự an toàn. Chuyên đi thám du là để tạo tiền đề cho những chuyến đi lập tiền trạm, và khai phá về sau. Thường thì việc thám du của Hướng Đạo Sinh phải bao gồm việc di chuyển ít nhất 90 phút để đến đích bằng cách đi bộ, đạp xe, phương tiện giao thông công cộng hoặc các phương tiện đã thỏa thuận khác. Các Hướng Đạo Sinh phải có kế hoạch để có thể dò xét, tìm tòi địa điểm đó. Sau khi đến đích, HĐS phải dành ít nhất năm giờ do xét, tìm tòi,… và chuyến đi được thực hiện trong khoảng tầm hai ngày trở lại, là sự tiếp nối chuyến thám du đã thực hiện trước đó.

Tóm Tắt việc thám du cơ bản bao gồm:

  • Phải có lên trước kế hoạch để có thể dò xét, tìm tòi địa điểm đó.
  • Di chuyển ít nhất 90 phút để đến nơi cần thám du.
  • Sau khi đến đích, HĐS phải dành ít nhất 3 tới 5 giờ do xét, tìm tòi,… địa điểm đó.
  • Chuyến đi được thực hiện trong khoảng tầm 2 ngày trở lại, là sự tiếp nối chuyến thám du đã thực hiện trước đó.
  • Chuyến Thám Du là Tiền Đề cho việc kiến thiết “Tiền Trạm”“Khai Phá” sau này.
Một Đoàn Hướng Đạo Sinh đang đi thám du ngọn hải đăng tại Mũi Kê Gà - Phan Thiết

Một Đoàn Hướng Đạo Sinh đang đi thám du ngọn hải đăng tại Mũi Kê Gà – Phan Thiết

Lợi Ích Của Việc Thám Du là:

  • Khám phá Thiên Nhiên: Cuộc thám du cho phép người tham gia thấu hiểu và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên. Điều này có thể là việc ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao, nghe tiếng sóng biển gợi nhớ những câu chuyện cổ tích, hoặc ngắm nhìn những cảnh quan đa dạng từ núi cao đến rừng sâu. Thám du giúp tạo cơ hội để thả mình vào tự nhiên, tận hưởng không gian yên bình và hòa mình vào vòng xoáy của sự sống hoang dã. Ngoài ra trong khi khám phá chúng ta sẽ tìm thấy những điều tuyệt với mà trước giờ chưa ai tìm thấy.
  • Tạo tiền đề: Thám du là để tạo tiên đề cho những chuyến kiến thiết tiền trạm và khai phá sau này.
  • Phát Triển Kỹ Năng Sống: Một phần quan trọng của thám du là học cách tự quản lý và tự chủ trong môi trường hoang dã. Người tham gia phải nắm vững các kỹ năng như nấu ăn trong điều kiện thiên nhiên, xây dựng lều trại, cấp cứu, và quản lý tài nguyên. Họ phải biết cách dự đoán thời tiết và tìm hiểu về địa lý để có thể di chuyển một cách an toàn. Những kỹ năng này không chỉ hữu ích trong thám du mà còn áp dụng trong đời sống hàng ngày.
  • Khám Phá Bản Thân: Thám du không chỉ là việc tìm hiểu về thiên nhiên mà còn là cơ hội để khám phá bản thân của mỗi hướng đạo sinh. Trong môi trường khó khăn và đòi hỏi sự sáng tạo, người tham gia phải đối mặt với các thách thức và tìm cách giải quyết chúng. Điều này giúp chúng ta xây dựng sự tự tin, sự độc lập, và kỹ năng tư duy logic. Cuộc thám du cũng khám phá sâu hơn về giới hạn của bản thân, tạo cơ hội cho sự phát triển cá nhân và thấu hiểu về giá trị của khả năng kiên nhẫn và quyết tâm.
  • Tạo Dựng Kỷ Niệm Đáng Nhớ: Cuộc thám du thường để lại những kỷ niệm đáng nhớ suốt đời. Những giây phút ngồi bên bếp lửa dưới bầu trời đêm sao, những hành trình đầy mạo hiểm qua rừng sâu, và những buổi gặp gỡ với người dân địa phương tạo ra những kỷ niệm không thể nào quên. Những trải nghiệm này kết nối con người với thiên nhiên và với nhau, tạo nên những mối quan hệ sâu sắc và thú vị.

 

Những Kỹ Năng Cơ Bản Cần Có Khi Đi Thám Du:

Khi tham gia vào cuộc thám du, việc nắm vững và áp dụng các kỹ năng cơ bản là vô cùng quan trọng. Đây là danh sách các kỹ năng quan trọng mà bạn cần phải hiểu và phát triển để thám du một cách thành công:

Nấu ăn trong điều kiện hoang dã:

Nấu ăn trong tự nhiên đòi hỏi sự sáng tạo và kỹ năng. Bạn cần biết cách chọn lựa nguồn thực phẩm, sử dụng bếp di động hoặc lửa trại để nấu ăn, và làm thế nào để bảo quản thực phẩm một cách an toàn. Việc này đặc biệt quan trọng để duy trì sức khỏe và năng lượng trong suốt cuộc thám du.

=> Xem Chi Tiết Tại: Kỹ năng tạo lửa, và Thiết lập trại

Nghề rừng:

Việc biết cách làm việc trong môi trường rừng, từ việc chặt củi đến sử dụng các công cụ như rìu và cưa, là kỹ năng quan trọng để xây dựng lều trại và duy trì cuộc sống trong thiên nhiên. Nghề rừng cũng bao gồm khả năng phân biệt các loại cây, biết cách sử dụng chúng để làm lửa hoặc xây dựng công trình khu đất trại.

Đoán thời tiết:

Biết cách đoán thời tiết dựa trên các dấu hiệu tự nhiên như hình dạng của mây, hướng gió, và hành vi của các loài động vật là kỹ năng quan trọng để đảm bảo an toàn trong thám du. Thời tiết có thể ảnh hưởng đến lịch trình và quyết định của bạn về việc di chuyển hoặc cắm trại.

Xây dựng lều trại:

Biết cách lựa chọn vị trí lều trại an toàn, xây dựng lều, và lắp đặt trang thiết bị thủ công để nắm tình hình thời tiết, bá động…  là kỹ năng quan trọng để có một giấc ngủ thoải mái và bảo vệ khỏi các yếu tố bên ngoài.

Cấp cứu:

Kỹ năng cấp cứu là một phần quan trọng trong thám du. Biết cách xử lý các tình huống khẩn cấp như vết thương, bong gân, hay sốc có thể giúp cứu người và đảm bảo an toàn của mọi người trong nhóm khi đi thám du.

=> Xem Chi Tiết Tại: Kỹ Năng Sơ Cấp Cứu

Quan sát và ghi nhận dấu vết:

Khả năng quan sát và ghi nhận dấu vết của động vật hoặc con người có thể giúp bạn theo dõi và định hướng trong môi trường hoang dã. Điều này có thể bao gồm việc nhận biết dấu chân, dấu vết trên cây cỏ, và các tín hiệu mà bạn có thể sử dụng để tìm đường.

Sử dụng bản đồ:

Sử dụng bản đồ để xác định vị trí của bạn và định hướng là một kỹ năng quan trọng. Bạn cần biết cách đọc bản đồ, sử dụng bút ký và compas, và xác định các đặc điểm địa lý để di chuyển an toàn và hiệu quả.

Tìm phương hướng:

Biết cách xác định hướng dẫn bằng cách sử dụng mặt trời, các dấu hiệu tự nhiên, hoặc trang thiết bị như compas là một kỹ năng cơ bản trong thám du. Nó giúp bạn không bị lạc và luôn biết cách quay về nơi an toàn.

 

Lập Tờ Trình Thám Du:

Sau một cuộc thám du đầy hấp dẫn và kịch tính, việc viết tờ trình thám du là bước quan trọng để ghi lại và chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ. Đây là danh sách các yếu tố quan trọng bạn cần lưu ý khi làm tờ trình thám du để đảm bảo rằng nó sẽ là một tài liệu đầy thú vị và sâu sắc. Tờ trình thám du không chỉ là một bản tóm tắt, mà là bản ghi chép chi tiết về cuộc hành trình. Nó bao gồm:

  • Mục đích cuộc thám du: Mục tiêu của cuộc thám du đóng vai trò quan trọng trong tờ trình. Hãy trình bày mục đích này một cách rõ ràng và cụ thể. Bạn có thể nêu rõ liệu mục tiêu là việc khám phá môi trường tự nhiên, nghiên cứu về văn hóa địa phương, hoặc thử thách bản thân trong một môi trường khắc nghiệt.
  • Khu vực thám du: Mô tả khu vực thám du một cách chi tiết và hấp dẫn. Đưa ra tên địa danh, tục danh, và thông tin về địa thế và môi trường của khu vực đó. Hãy làm cho đọc giả của bạn cảm nhận được vị trí đầy thú vị mà bạn đã khám phá.
  • Thời gian thám du: Chỉ định ngày và giờ bắt đầu cuộc thám du cũng như ngày và giờ kết thúc. Việc này giúp tạo ra một khung thời gian cho cuộc hành trình của bạn và đảm bảo tính chặt chẽ của tờ trình.
  • Thành phần tham dự: Liệt kê tên, đẳng cấp, chức vụ, và thông tin liên hệ của những người tham gia cuộc thám du. Điều này giúp Ban Tổ Chức và các thành viên trong đội thám du có cái nhìn tổng quan về nhóm và giúp xác định trách nhiệm và vai trò của từng người.
  • Hình ảnh tiêu bản: Thêm sự sống động cho tờ trình bằng việc đính kèm hình ảnh, sơ đồ trực chiếu Gilwell, sơ đồ địa hình, và họa đồ toàn cảnh nếu có. Bạn cũng có thể bao gồm các hình chụp và hình vẽ liên quan đến môi trường và trải nghiệm của bạn. Đừng quên kèm theo thuyết minh để giải thích ý nghĩa của những hình ảnh và hình vẽ này.
  • Tiêu bản thật: Cuộc thám du thường đi kèm với việc thu thập các tiêu bản động vật, thực vật, côn trùng, và các yếu tố tự nhiên khác trong khu vực. Đối với mỗi tiêu bản, hãy cung cấp thông tin chi tiết về tên, đặc điểm, và nguồn gốc. Nếu có thể, cung cấp cả mô tả về cách bạn thu thập chúng.

 

Tờ trình thám du không chỉ là một tài liệu báo cáo mà còn là một cách để bạn chia sẻ những trải nghiệm và học hỏi của bạn trong cuộc thám du. Hãy viết nó một cách tỉ mỉ và đầy tâm huyết để đảm bảo rằng nó sẽ truyền tải được những cảm xúc và ý nghĩa của hành trình của bạn cho người đọc.

Làm Nhật Ký Thám Du:

Nhật ký thám du là bản ghi chép hàng giờ về mọi sự kiện trong cuộc thám du. Nó cần phải cung cấp thông tin chi tiết về quan sát thiên nhiên, lều trại, dân cư, động thực vật, địa thế, công trình xây dựng, di tích và vết tích. Các mô tả cần được viết một cách sống động để tạo ra hình ảnh rõ nét trong tâm trí của độc giả. Nhớ rằng khi các bạn đang viết nhất ký thám du, là bạn đang tạo ra một bản ghi vĩnh viễn về những trải nghiệm của đội của các bạn. Hãy làm cho nó trở thành một tác phẩm truyền cảm hứng cho những người khác khám phá thế giới tự nhiên và học hỏi từ những cuộc phiêu lưu của bạn.

  • Quan sát trong cuộc thám du: Hãy thuật lại cuộc mạo hiểm của mình không phải như một học sinh làm bài luận, những như một kẻ đi rừng thật sự, một quan sát viên cẩn thận. Nói về thời tiết và trời mây, ta có ghi chép những điều quan sát và dự đoán về thời tiết từ hôm trước không? Hãy kể lại tất cả, không cần các câu dài những gì xảy ra và cả những tiên đoán của ta (đúng, sai). Quan sát các loại mây và gió. Mặt trời và các vì sao. Cho biết các hiện tượng này đã dạy cho ta những gì?
  • Nói về lều trại: cơm nước, nấu ăn, làm bếp thế nào? lần thám du này có khó khăn trong việc cắm trại không?
  • Dân cư: (sinh hoạt, văn hóa, kinh tế, phong tục, tinh thần,…) tình cảm của cư dân bản địa ra sao đối với tổ chức Đoàn – Hội của mình, và đối với du khách khác…
  • Động thực vật: Mô tả, minh họa, chụp hình, làm tiêu bản, liệt kê,…
  • Địa thế: Sông, suối, núi rừng, đất cát, độ phì nhiêu, độ dốc, vực sâu,…
  • Công trình xây dựng: đình chùa, nhà thờ, cầu cống, đập nước, mương máng, trường học, tụ điểm,…
  • Di tích, vết tích: tìm hiểu nguồn gốc, tài liệu, di tích, tập tục địa phương… (chụp hình, minh họa)
  • Đường đi: khoảng cách, độ dài, loại đường, tình trạng sử dụng,…
  • Việc thiện: những điều tốt chúng ta đã làm trong cuộc thám du.

 

Những điều trên, không phải chúng ta mô tả một cách khô khan, cứng nhắc,… Chúng ta nên thêm vào đó một chút bay bổng của thi sĩ, một chút màu sắc của họa sĩ, một chút tưởng tượng của văn sĩ,… Nói như thế không có nghĩa là chúng ta hư cấu, dựng chuyện… Nhưng nếu đêm ta ngủ dưới lều, nghe tiếng chó sủa văng vẳng, rời rạc hay dồn dập, ta thử đoán xem chuyện gì. Tiếng côn trùng rả rích, tiếng cú rúc đêm, tiếng thú rừng gọi bạn… cũng đưa ta đến những kỷ niệm hay hình ảnh nào đó… Khi mô tả những gian lao nguy hiểm, những khó khăn mà ta phải vượt qua – ta viết sao cho sinh động. Cuối cùng là những nhận xét, kinh nghiệm, bài học mà chúng ta đã rút ra được trong cuộc thám du. Nếu đi thám du mà không có tờ trình thám du hoặc phúc trình không đầy đủ thì đó chỉ là một buổi “Picnic” mà thôi.