Phương Pháp Sói Con
Cụ Robert Smith Stephenson Baden Powell hay tên thường gọi là “BP” đã dùng câu chuyện rừng xanh của Văn Hào Ruyard Kipling làm bối cảnh để các Sói con sống suốt đời Sói con (4 năm) đầy mộng mơ, bí hiểm lý thú, thỏa mãn hoàn toàn óc tưởng tượng ở trẻ. Bằng trò chơi, chuyện kể, đi săn, các Sói thỏa chí trong vai trò một Sói con lanh lợi, khôn Ngoan, vượt qua từng nhát răng mà đó là những bước tiến dần dần tạo thành thói quen tốt một cách tuần tự, tự nhiên trong cuộc đời Sói con.
Danh từ Sói đối với trẻ Việt Nam là khó chấp nhận, nên hiểu từ Sói ở đây xuất phát từ câu chuyện “Rừng Xanh” mà gia đình Sói là trung tâm. Sói là loài vật có tính kỷ luật, đoàn kết, sống theo bầy đàn, lanh lẹ, có trật tự, luôn giúp đỡ cũng như tôn trọng các dân rừng khác và nhất là Sói sống theo luật: “Sói con nghe Sói già, Sói con không nghe mình” Chuyện rừng xanh gói ghém những điều lạ lùng, nhiều bài học hay, đầy nhân tính có lý tưởng giúp trẻ tiến đến cuộc sống tốt đẹp, vui tươi khi mọi dân rừng tôn trọng luật rừng, cùng đoàn kết diệt kẻ thù là con Cọp Sherekhan, con Khỉ Bangdarlog… Say mê trong vai trò Sói con và dưới sự dìu dắt của các Sói già tinh nhanh, khôn ngoan và đáng tin cậy như Akêla và các thú rừng như con Gấu “Baloo”, con Báo Bagheera, con Chim “Chill”, Trăn “Kaa”…
Trong suốt 4 năm làm Sói con, trẻ được huấn luyện theo một chương trình nhẹ nhàng, vui vẻ, khéo léo với những bài hát ngắn, chuyện kể đời cậu bé Mowgli. Từ khi là Sói giò non, Sói chỉ biết bài hát chính thức đến khi nào Sói con làm thành thạo một món thủ công, làm được việc thiện ghi vào “Sổ việc thiện” có ý nghĩa thì Sói sẽ được bước qua làm “Sói mở mắt” rồi đến trở thành Ấu sinh sau khi vượt qua các chương trình đẳng thứ và chuyên hiệu. Với tài quan sát, khéo tay hay làm hoặc sưu tầm, Sói đã dần dần là chủ nhân của rừng già với nhiều chuyên hiệu trên cánh tay trái. Chỉ cần vượt qua thử thách đơn giản như đi bộ 02 km một mình, khâu được nút áo, và sơ cứu vết thương thì các Sói đã được gắn huy hiệu. Tuy thấy đơn giản như thế nhưng đối với trẻ đã là bước đầu vượt qua những khó khăn để mạnh dạn thể hiện bản thân cũng như hoàn toàn gắn bó với Bầy.
Ta thường nói học đi đôi với hành. Ở trường có bài kiểm tra, ở nhà có lời hứa chừa bỏ, còn ở Bầy việc làm bài tập là việc ghi sổ việc thiện những việc thiện mà các Sói làm mỗi ngày. Đây là điểm đặc biệt nhất của phương pháp giáo dục Sói con, chúng ta nên hiểu việc thiện ở đây là những việc tốt, “mỗi ngày làm vui lòng một người” như: Sói tự vệ sinh cá nhân, biết xếp chăn mền, giữ nề nếp, quét dọn nhà cửa, giữ em v.v….không phải là những gì ghê gớm đâu nhưng đây là các việc em tự giác làm và rất hãnh diện ghi vào sổ, dần dần Sói con cảm thấy áy náy khi chưa mở được nút việc thiện và làm được nhiều việc đáng khen hơn. Rất nhiều Sói con khi lớn lên vẫn còn nhớ sổ việc thiện của mình chính việc làm đó đã giúp cho đời sống các em trong sạch và luôn quan tâm người khác trong xã hội.
Vai trò của những người trưởng thành trong phong trào rất quan trọng, bởi vì Phong trào Hướng đạo vốn là một phong trào giáo dục. Tuy nhiên, vai trò của các huynh trưởng không phải là giống như một giáo viên, cha mẹ hay linh mục. Họ cũng không phải là huấn luyện viên thể thao hoặc quân sự. Vì thế, khi trẻ em đến với chúng ta, mục đích là để chơi và hình thành nhân cách cao đẹp nhờ môi trường mà chúng ta tạo ra cho các em. Với vai trò là huynh trưởng Ngành Ấu, cần có khả năng đồng hành và hỗ trợ trẻ em trong quá trình phát triển của các em, đồng thời biết cách chơi và tương tác với các em.
Phương pháp giáo dục trong phong trào hướng đạo trở nên hiệu quả hơn khi có sự kết hợp với gia đình của trẻ em theo sói con. Điều này bởi vì trong phong trào hướng đạo, sự tập trung vào phát triển nhân cách của trẻ em. Gia đình, như một môi trường quan trọng, là nơi sói con có thể học và thực hành những giá trị đạt được trong hướng đạo, như hợp tác, đức tin, trung thực và trách nhiệm. Hướng đạo hoạt động hiệu quả nhất khi có sự hỗ trợ từ ba mẹ để củng cố những giá trị này và tạo mối quan hệ vững chắc giữa các thành viên trong gia đình.